Tái cơ cấu để tăng trưởng chăn nuôi, đáp ứng 6,5 triệu tấn thịt/năm
16/09/2020 07:44:AM
Tái cơ cấu để tăng trưởng chăn nuôi, đáp ứng 6,5 triệu tấn thịt/năm.
Bộ NNPTNT đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị chăn nuôi theo giai đoạn, hướng tới đạt 5-6,5 triệu tấn thịt/năm.
Sản phẩm chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu
Sáng 15.9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 ở mức từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030: Trung bình từ 3-4%/năm.
Đến năm 2025, sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm.
Về sản lượng trứng, sữa, đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỉ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỉ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.
Tỉ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025; từ 40-50% vào năm 2030.
Bộ NNPTNT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng chăn nuôi, từ 2020-2030 bình quân đưa ra thị trường 5-6,5 triệu tấn thịt/năm. Ảnh: Dương Phương
Những giải pháp “nóng” để kịp tiến độ
Theo định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, một trong những mục tiêu chính mà Bộ NNPTNT đặt ra là ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40-45 triệu tấn, sản lượng thực tế từ 30-32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số. Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi.
Cùng với đó, nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh công nghiệp chế biến và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi.
Đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để đạt các mục tiêu trên, những giải pháp căn cơ là cần hoàn thiện các chính sách phát triển chăn nuôi; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cụ thể là đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vắcxin, thuốc, chế phẩm thú y phục vụ công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh…
(Nguồn: Vũ Long/Báo Lao Động)