Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nhựa
25/05/2018 11:09:AM
Các chuyên gia đánh giá: Ngành nhựa Việt Nam đang ngày càng phát triển, nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành nhựa tốt nhất trên thế giới, chiếm lĩnh hầu hết thị trường trong nước và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành nhựa Việt Nam hiện nay là năng lực thực tế còn thấp so với ngành nhựa của các nước trên thế giới và trong khu vực. Nguyên liệu nhập khẩu đến 85%, thiết bị, khuôn mẫu phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề còn thiếu. Đặc biệt, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, dự kiến ngành nhựa sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận, còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nhưng bên cạnh đó cũng sẽ phân hóa mạnh. Các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, đầu tư cải tiến KHCN và phân khúc sản phẩm có tính cạnh tranh cao sẽ tồn tại, ngược lại các doanh nghiệp công nghệ lạc hậu sẽ khó có thể cạnh tranh được.
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ KH&CN tại TP HCM cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp chưa quan tâm và chưa chủ động trong nghiên cứu, phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm chủ KHCN ở các doanh nghiệp cũng rất thấp chỉ chiếm 7,25% lực lượng lao động. Đây là một trong những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ lạc hậu khoảng từ 2 đến 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Máy móc, thiết bị đang sử dụng ở các doanh nghiệp chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình, 52% là lạc hậu; tỉ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2% (tỉ lệ này ở Thái Lan là 31%, Malaysia là 51%, Singapore là 73%). Do đó, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần phải tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh để đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.