Lãi cao, ồ ạt mở rộng chăn nuôi heo.
03/09/2020 01:29:PM
Lãi cao, ồ ạt mở rộng chăn nuôi heo.
TTO - Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp tăng đàn mạnh, trong khi chi phí chăn nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt chỉ khoảng 50.000 đồng/kg giúp các doanh nghiệp lãi lớn.
Giá cao, nhiều cơ sở đã tăng đàn. Trong ảnh: một hộ chăn nuôi heo ở Bắc Giang - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cuối tháng 8-2020 giá thịt heo trên cả nước vẫn đang xoay quanh mức khoảng 80.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi cũng cho hay đến cuối tháng 7-2020 mới có 12 tỉnh, TP tái đàn và tăng đàn heo trên 100%, còn 22 tỉnh thành tái đàn mới chỉ đạt dưới 70% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi.
Trái ngược với tăng đàn chậm ở các địa phương thì khối doanh nghiệp chăn nuôi đang tăng tốc mở rộng quy mô. Như Công ty Mavin tái đàn gấp 10 lần so với tháng 1-2020, từ 35.000 con tăng lên trên 341.000 con. Công ty Japfa Comfeed tăng từ 105.000 con lên 276.000 con, Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng gấp đôi so với tháng 1-2020 lên 103.000 con.
Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo lớn, đàn heo thịt đến tháng 7-2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với tháng 1-2020 là 46,8%.
Đến cuối tháng 7-2020, tổng đàn heo của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con (bằng 81,9% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi).
Cục Chăn nuôi cho biết vào cuối quý 3 và đầu quý 4-2020 mới có thể cân đối cung - cầu, khi đó giá thịt heo sẽ cơ bản ổn định.
Ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng hiện khâu tái đàn đang tích cực, sắp tới nguồn cung con giống đủ, giá thành sản xuất giảm xuống, giá heo sẽ tiếp tục xuống.
Giá thịt heo đẩy lạm phát tăng mạnh
Báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 8 và 8 tháng của năm 2020 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 31-8 ghi nhận trong 8 tháng CPI tăng 3,96% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng bình quân 8 tháng của năm cao nhất trong 5 năm gần đây.
Đáng lưu ý, riêng giá thịt heo tăng 70,95%, làm cho CPI chung tăng thêm 2,41%. Tính riêng trong tháng 8, chỉ số lạm phát tăng 0,07% so với tháng 7-2020.
Tổng cục Thống kê nhận định các nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng của năm 2020 là do giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 8 tháng tăng 14,44% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI tăng 3,07%.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng...
(Nguồn: tuoitre.vn - B.Ngọc)