Hội nghị Sản xuất chăn nuôi, cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA)

28/09/2021 01:06:PM

💥HAI KỊCH BẢN, NHIỀU KHÓ KHĂN💥

- Tại Hội nghị Sản xuất chăn nuôi, cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã đưa ra hai kịch bản dự báo tình hình của ngành chăn nuôi gia cầm 3 tháng cuối năm 2021. Cả hai kịch bản này đều nhìn thấy rõ nhiều khó khăn, thách thức mà ngành gia cầm sẽ phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới.
🕵🕵Nhận diện đúng tình hình
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho biết: “Hiện nay, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, đặc biệt là ngành gia cầm đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đứng trước nguy cơ mất vốn và có thể phải ngừng hoạt động nếu hết năm nay dịch COVID-19 không được khống chế. Vì vậy, chúng ta cần có cách nhìn khách quan, biện chứng, nhận diện đúng tình hình để từ đó tìm giải pháp phù hợp và kịp thời nhằm tìm lối thoát cho ngành nông nghiệp trước mắt cũng như lâu dài”.
“Thực ra, câu chuyện khó khăn của ngành gia cầm đã xuất hiện từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi mà năm 2019, ngành này đã phát triển quá nóng, dẫn đến cung vượt cầu, giá bắt đầu giảm. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng thịt gia cầm năm 2019 đã tăng 35%, trứng tăng 24% so năm 2018. Chính vì vậy, bước sang năm 2020, đặc biệt năm 2021, theo điều tiết của quan hệ cung cầu, tăng trưởng của ngành gia cầm đã chậm lại, thậm chí 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng âm so đầu năm 2020. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 kể từ ngày 28/4/2021 khiến cả tổng cung và tổng cầu đều giảm sút nghiêm trọng”, TS. Nguyễn Thanh Sơn nói thêm.
👾👾 Ðiêu đứng vì COVID-19
Theo số liệu của VIPA, 8 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là 3 tháng gần đây, ngành gia cầm giảm sút cả về sản lượng và giá trị so năm 2019 và 2020, ước giảm 35 - 50%, tùy mặt hàng.
Năm 2019 và 2020, tổng đàn gà cả nước sản xuất hàng tháng khoảng 50 - 60 triệu con/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đàn gà cả nước giảm xuống chỉ còn 32 - 35 triệu con/tháng. Ðàn vịt cả nước từ 7 triệu con/tháng nay còn 4,5 - 5 triệu/tháng. Sản lượng trứng từ 40 - 41 triệu quả/ngày nay xuống còn 30 - 31 triệu quả/ngày.
Thêm vào đó, hiện nay do thị trường gia cầm giảm mạnh cả cung và cầu, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm gặp rất nhiều khó khăn, giá bán con giống và gia cầm thịt đều giảm sâu, chỉ trừ mặt hàng trứng là tăng giá. Tại miền Bắc không có tình trạng bị tồn đọng lớn gà thịt như ở miền Nam. Tuy vậy, mức độ tiêu thụ chậm và giá bán so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội đều giảm mạnh. Tại miền Nam, tiêu thụ gà trắng vẫn rất khó khăn, tồn đọng khoảng 9 - 10 triệu con, giá bán chỉ bằng 1/2 giá thành.
“Nguyên nhân của thực trạng khó khăn nêu trên là do: Khủng hoảng dịch bệnh COVID-19; Khủng hoảng về thị trường, mất cân đối cung cầu, mà trong thời điểm này cả tổng cầu và tổng cung đều giảm”, TS. Nguyễn Thanh Sơn nói thêm.
Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, trong 7 tháng đầu năm 2021, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà, heo hơi giảm mạnh so cùng thời điểm năm 2020. Ðáng chú ý, ở các tỉnh phía Nam, do đứt gãy chuỗi cung ứng, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà thịt công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi ở các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Trọng, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc vận chuyển gặp khó khăn, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, một số nhà máy giết mổ, chế biến có người mắc COVID-19 nên phải đóng cửa...) khiến sản phẩm chăn nuôi ứ đọng, quá tuổi. Ðặc biệt, các tại tỉnh Ðông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp trắng, hiện nay 19 tỉnh, thành phía Nam có khoảng 9,3 triệu con đã đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ rất khó khăn, trong đó có hơn 4 triệu con đã quá tuổi, trong lượng mỗi con trên 3,8 kg.
📈📈Hai kịch bản và giải pháp
Tại Hội nghị, VIPA đã đưa ra hai kịch bản dự báo tình hình 3 tháng cuối năm 2021 của ngành chăn nuôi gia cầm. Cụ thể, kịch bản thứ nhất là: Ðầu tháng 10/2021, cả nước kiểm soát và khống chế được dịch COVID-19, các địa phương dỡ bỏ giãn cách xã hội, thì tổng cầu sản phẩm gia cầm sẽ tăng trở lại, lúc đó tổng cung sẽ tăng, thị trường sẽ được cải thiện. Và nguồn cung sản phẩm thịt, trứng gia cầm nội địa có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu 3 tháng cuối năm, nhưng giá bán sẽ tăng.
Kịch bản thứ hai là đầu tháng 10/2021, dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế thì cả tổng cầu, tổng cung vẫn không tăng, tình hình sản xuất và thương mại gia cầm vẫn tiếp tục khó khăn, hậu quả là ngành gia cầm lần đầu tiên trong 10 năm gần đây sẽ tăng trưởng âm so năm 2020. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sản phẩm gia cầm nội địa có thể xảy ra 3 tháng cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước các khó khăn đó, Cục Chăn nuôi đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng như: Tổ chức kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có. Ða dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước mắt, trang bị thêm hệ thống xe bán hàng lưu động để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương. Bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hóa từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành.
Ghi nhận các kiến nghị của Cục Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết: Nhu cầu thực phẩm chăn nuôi từ nay đến cuối năm là rất lớn, nhất là dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nên cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì sản xuất, nâng cao khả năng tái đàn cho các hộ nuôi, trang trại, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giết mổ, doanh nghiệp chế biến để nắm bắt tốt nhất những cơ hội của thị trường trong thời gian tới.

 -------------------------------------------------

(Trích: nhachannuoi / nguồn page: metavet)
Google+

Tin liên quan