Bập bềnh cổ phiếu nhựa

15/01/2019 10:58:AM

Bập bềnh cổ phiếu nhựa

Trải qua một năm biến động, cổ phiếu ngành nhựa vẫn còn cơ hội trở mình.

Giai đoạn thay đổi

Ngành nhựa Việt Nam đã trải qua một năm 2018 khó khăn, dưới các tác động tiêu cực từ chi phí nguyên liệu tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, cạnh tranh khốc liệt... Đó là chưa kể, như đánh giá của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa đang trong giai đoạn thay đổi, với nhiều công ty đã rơi vào tay các tập đoàn ngoại. Tất cả ít nhiều gây ra lo ngại và kéo cổ phiếu nhựa đi xuống trong năm qua.

Ở phân khúc nhựa xây dựng, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh, NTP của Nhựa Tiền Phong giảm 30% trong năm 2018. Có thời điểm, giá BMP đã giảm gần một nửa. Giá cổ phiếu ngành nhựa bao bì như AAA của An Phát, SPP của Bao bì Nhựa Sài Gòn... cũng không khá hơn. Thậm chí, giá SPP đã ở dưới mệnh giá.

Mặc dù vậy, đánh giá của giới phân tích về cổ phiếu nhựa vẫn tích cực. Công ty Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị trong 1 năm tới, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào BMP với giá mục tiêu 77.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá giao dịch trung bình hiện nay là 52.000-53.000 đồng. Lý do MBS đưa ra là tình hình tiêu thụ sản phẩm nhựa trong dài hạn của BMP vẫn tốt.

Trong quý III/2018, bất chấp cạnh tranh cao, tiêu thụ nhựa của BMP vẫn tăng trưởng 13,5%. Sắp tới, với lợi thế về sức khỏe tài chính lành mạnh, cùng sự tham gia của Nawaplastic Industries (Thái Lan) vào quản trị và tiềm năng tăng trưởng của ngành xây dựng, bất động sản, MBS đánh giá, BMP vẫn là cơ hội tốt cho nhà đầu tư.

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng lạc quan khi đánh giá cổ phiếu NTP. Bởi đây là công ty có quy mô lớn nhất trong ngành ống nhựa, dẫn đầu ở thị trường miền Bắc, trong khi nhu cầu ống nhựa vẫn cao. Giai đoạn 2019-2026, giá trị xây dựng dân dụng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trung bình 6,5%/năm, còn giá trị xây dựng hạ tầng nước sẽ tăng trưởng trung bình 7,03%/năm. NTP lại có lợi thế ở thị trường miền Trung khi lập nhà máy tại Nghệ An, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và khai thác thị trường hiệu quả hơn.

Cả BMP lẫn NTP là 2 tên tuổi dẫn đầu ngành nhựa xây dựng Việt Nam nên có khả năng nắm bắt cơ hội từ thị trường. Hơn nữa, xu thế ngành nhựa là dịch chuyển từ nhựa bao bì và dân dụng sang nhựa xây dựng, nhựa kỹ thuật. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của nhựa xây dựng là 60%, cao nhất trong các nhóm ngành nhựa.

Riêng mảng nhựa bao bì đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong giá trị toàn ngành nhựa, góp 5,2 tỉ USD trong năm 2017 và tăng 11% so với năm trước đó, theo báo cáo từ FPTS. Do đó, nhựa bao bì là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia nhất, hơn 3.300 công ty, chiếm 41% tổng doanh nghiệp nhựa.

Nhiều doanh nghiệp không thể làm ngơ với miếng bánh nhựa vì đây là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt, bất chấp biến động thị trường. Ở giai đoạn 2012-2017, ngành nhựa tăng trưởng trung bình 11,6%. Riêng năm 2017, sản lượng toàn ngành nhựa Việt Nam đạt khoảng 7,8 triệu tấn, tăng trưởng 16,6%. Đây cũng là động lực để nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... vào cuộc.

Tuy nhiên, rủi ro cũng không ít. Nếu căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài và Trung Quốc không thể xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Mỹ, nước này có thể đem 10 tỉ USD giá trị hàng nhựa và cao su của mình vào Việt Nam. Khi đó, ông Hồ Đức Lam nhấn mạnh, thách thức cho các nhà sản xuất trong nước là không hề nhỏ.

Làn sóng dịch chuyển lan rộng

Hiện tại, làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty nhựa Trung Quốc vào Việt Nam đã lan rộng, dưới hình thức vốn FDI và cả FII. Ông Lam dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh hơn. Một khi Việt Nam trở thành điểm đến của doanh nghiệp nhựa Trung Quốc sẽ khiến cạnh tranh thêm khốc liệt. Nhưng vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn, ở mảng nhựa bao bì, Walmart hay Target đang chuyển dịch đơn hàng cho Việt Nam. Nếu đủ năng lực nắm bắt được các đơn hàng lớn này, doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi.

Hiệp định thương mại tự do EVFTA cũng hứa hẹn mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm nhựa. Bởi bao bì nhựa Việt Nam đã có lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU do không bị đánh thuế chống bán phá giá từ 4-30%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, rào cản thuế quan gỡ bỏ, lợi thế xuất khẩu nhựa của Việt Nam càng lớn.

Trong nước, doanh nghiệp bao bì nhựa cũng có thể tận dụng cơ hội từ tăng trưởng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn ước tăng 11% năm 2019. BMI dự báo, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất, khoảng 20%.

Ở góc độ chi phí, các doanh nghiệp nhựa có thể cải thiện tình hình nếu tận dụng được giá dầu giảm và nguồn cung nguyên liệu nhựa trong nước tăng trưởng nhanh. Chẳng hạn, nhà máy dầu Nghi Sơn đã cung cấp 50% nguyên liệu PP cho ngành nhựa. Sang năm 2019, theo dự báo của EIA, giá dầu Brent sẽ ổn định hơn, trung bình ở mức 72 USD/thùng, giảm nhẹ so với trung bình năm 2018. Do đó, các loại nguyên liệu là PE và PP cũng được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ.

Nhưng để tận dụng hết các cơ hội từ trong thách thức, để có thể cải thiện biên lợi nhuận, các công ty nhựa phải đạt vị thế về quy mô, thương hiệu, khả năng phân phối... Đây chính là lý do để các công ty nhựa Việt Nam, dù đã chiếm lĩnh thị trường như BMP, NTP vẫn cần đến sức mạnh ngoại lực. Mới đây, SPP cũng đã quyết định nới room 100% cho nước ngoài.

(Theo vpas.vn) 

Google+

Tin liên quan