Chính phủ Anh ủng hộ chiến dịch tái chế rác thải nhựa ở Pakistan
20/02/2019 08:15:AM
Chính phủ Anh ủng hộ chiến dịch tái chế rác thải nhựa ở Pakistan.
(TN&MT) – Chiến dịch sẽ kết hợp quyên góp cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) lên tới 2 triệu bảng để giúp giảm ô nhiễm nhựa đại dương.
Chiến dịch xây dựng các cơ sở tái chế ở Pakistan do chính phủ Anh hậu thuẫn có thể tăng hàng triệu bảng để giúp giảm ô nhiễm nhựa đại dương và sông.
Tổ chức phi chính phủ của Anh, Tearfund đang làm việc tại quốc gia này để cải thiện việc thu gom và xử lý chất thải và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh đã đồng ý kết hợp quyên góp cho NGO lên tới 2 triệu bảng.
Gần một phần ba người dân Pakistan sống dưới mức nghèo khổ và rác là một trong những thách thức lớn nhất của họ. Chất thải không được kiểm soát tích tụ trong các dòng sông và gây ra lũ lụt, có thể dẫn đến tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm.
Một phương pháp xử lý chất thải khác là đốt chúng trên đường phố, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và là một trong những tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Với sự trợ giúp của chương trình kết hợp viện trợ của chính phủ Vương quốc Anh, tổ chức từ thiện đang mở rộng công việc của mình tại khu ổ chuột Pakistan và tạo ra các trung tâm tái chế.
Ashraf Mall, đại diện của Tearfund ở Pakistan cho biết: “Pakistan sản xuất hơn 20 triệu tấn rác mỗi năm và tại các thành phố như Karachi, 2/5 rác thải vẫn không được kiểm soát. Khoản tài trợ lớn từ chính phủ Vương quốc Anh sẽ giúp chúng tôi thay đổi cuộc sống hàng ngày của những người sống ở Karachi và Hyderabad”.
“Thông báo của Tearfund sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các cộng đồng trên khắp Pakistan tái chế rác thải nhựa, ngăn chặn rác thải nhựa làm cản trở dòng chảy của nước” - Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế của Anh, Penny Mordaunt nói.
“Công việc này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của nhiều thế hệ con người mà còn tạo ra công ăn việc làm và sự phát triển, đồng thời giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm” - Penny Mordaunt nhấn mạnh.
Quản lý rác không hiệu quả ở các nước đang phát triển là một vấn đề đáng báo động, với 2 tỷ người trên toàn thế giới không được tiếp cận với hệ thống thu gom rác thải thường xuyên.